Tuy nhiên, muốn thực hiện khát vọng đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm của ngành công nghiệp tôm của cả nước không phải là chuyện dễ làm, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp khó lường như hiện nay. Hạn hán, xâm nhập mặn cùng thiếu nguồn nước ngọt từ thượng nguồn Mê Kông đã đặt ra nhiều thách thức cho phát triển bền vững. Điều này cần sự chung tay góp sức của Chính phủ và các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) để hóa giải các thách thức, biến nguy cơ này thành cơ hội cho một ĐBSCL giàu tiềm năng, thế mạnh về phát triển con tôm.
Từ năm 2010, từ khóa “thủ phủ tôm Bạc Liêu” đã được hình thành và đưa vào Nghị quyết của nhiều kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đặc biệt năm 2017, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu được thành lập theo Quyết định 694 của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là khu nông nghiệp chuyên về con tôm duy nhất của khu vực ĐBSCL và cả nước. Thế nhưng, hình hài về một trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước qua gần 14 năm thực hiện giấc mơ “thủ phủ” ngành tôm vẫn chưa được hiện rõ và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho con tôm vẫn chưa được đưa vào khai thác. Do vậy, việc tập trung phân tích, đánh giá và thẳng thắn nhìn nhận các “điểm nghẽn” cùng hàng loạt các “nút thắt” trong thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước và đề ra các giải pháp cũng chính là góp phần giải quyết các khó khăn, thách thức cho phát triển con tôm công nghiệp của cả khu vực ĐBSCL hiện nay. Đồng thời, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu 10 tỷ USD cho con tôm vào năm 2025 và chủ động tạo ra năng lực cạnh tranh, khả năng ứng phó với các nước xuất khẩu tôm hàng đầu trên thế giới.
Sự phát triển nhanh chóng của ngành tôm xuất khẩu cũng đem đến nhiều thách thức, đặc biệt là về môi trường. Suy thoái và ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề nóng bỏng, đặt ra câu hỏi lớn về sự phát triển bền vững của ngành này, nhất là khi nguồn tài nguyên nước đang dần cạn kiệt. Với tình hình hạn mặn ngày càng gia tăng, tình trạng thiếu nước ngọt cho nuôi tôm càng trở nên gay gắt.
Dẫn đầu cả nước về nuôi tôm công nghệ cao
Bạc Liêu hiện có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 140.000 ha, với tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2023 đạt trên 388.740 tấn. Nhiều mô hình nuôi tôm hiệu quả như: nuôi thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh, tôm – lúa, tôm – rừng được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao về tính bền vững. Các mô hình này mang lại lợi nhuận cao hơn từ 15 – 30% so với độc canh cây lúa, tạo nền tảng vững chắc để Bạc Liêu phát triển và làm giàu từ ngành tôm.
Đặc biệt, trong những năm qua, các doanh nghiệp trong tỉnh đã xây dựng nên những mô hình nuôi tôm hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, đứng đầu cả nước. Điển hình là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của Tập đoàn Việt – Úc, với các khu phức hợp ứng dụng công nghệ cao bên trong các nhà kín. Tất cả các ao nuôi đều được lót bạt dưới đáy và nguồn nước mặn được xử lý tiệt trùng qua ao lắng với nhiều trang thiết bị hiện đại. Mỗi ao nuôi được trang bị hệ thống quản lý thông minh, cảm biến, quạt nước, máy bơm oxy hoạt động liên tục 24/24 giờ, đảm bảo các điều kiện tối ưu cho con tôm phát triển.
Các công nghệ khác như công nghệ cho ăn tự động, đo lường tự động, quy trình nuôi biofloc, giá thể sinh học, xử lý nước tuần hoàn, nuôi không sử dụng kháng sinh cũng được ứng dụng, tạo nên bước đột phá và bền vững trong ngành tôm.
Ngoài ra, Tập đoàn Việt – Úc còn áp dụng mô hình nhà màng bong bóng nuôi tôm, công nghệ nuôi mới từ Israel, lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam. Với mỗi ao diện tích 500m2, mật độ nuôi là 300 con/m2, cho thu hoạch từ 12 – 16 tấn/vụ/năm và mang lại lợi nhuận hàng chục tỷ đồng/ha/năm. Không chỉ có Tập đoàn Việt – Úc, Bạc Liêu còn có nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã nuôi tôm với các mô hình hiện đại, mang lại siêu lợi nhuận như Công ty Long Mạnh, Công ty Trúc Anh, Hợp tác xã nuôi tôm ứng dụng cao Đông Hải.
Trong những năm qua, ngành tôm đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GRDP của tỉnh và giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng ngàn lao động địa phương. Năm 2022, ngành tôm Bạc Liêu đã góp phần đưa tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh đạt 9,6%, đứng thứ 4/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và thứ 15/63 tỉnh, thành cả nước. Năm 2023, Bạc Liêu tiếp tục đứng vào tốp đầu của khu vực ĐBSCL về tăng trưởng kinh tế.
Tài nguyên nước là “cốt lõi”
Sự phát triển nhanh chóng của ngành tôm, đặc biệt là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, đã kéo theo hàng loạt vấn đề về ô nhiễm môi trường. Nhiều địa phương có diện tích nuôi tôm lớn gặp khó khăn trong việc quản lý và xử lý ô nhiễm, do thiếu quy hoạch cụ thể cho từng vùng nuôi. Tình trạng tôm chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường đã xảy ra, đặc biệt tại huyện Đông Hải. Nhiều hộ nuôi tôm tại đây đã trải qua nhiều vụ mùa thất bại do ô nhiễm nguồn nước.
Ông Đỗ Kiên, một nông dân nuôi tôm tại xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, chia sẻ: “Mấy năm nay, nông dân nuôi tôm rất khó khăn, nuôi tôm công nghiệp tự phát phát triển nhanh và gần như không có kiểm soát. Khi tôm chết, các hộ nuôi xả nước ô nhiễm ra kênh nội đồng, khiến nguồn nước bị ô nhiễm cứ chảy đi chảy lại, không thoát ra ngoài được. Kết quả là khu vực phải chấp nhận sử dụng nguồn nước ô nhiễm này để nuôi tôm mới, tạo thành một vòng luẩn quẩn không có lối thoát”.
Thực hiện các dự án cải thiện và phát triển công nghiệp tôm
Để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước, nhiều chuyên gia cho rằng cần đầu tư hệ thống thủy lợi và cấp thoát nước hoàn chỉnh nhằm khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường và cung cấp nước cho các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Đồng thời, cần hoàn thiện Đề án xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu và đưa khu nông nghiệp này vào hoạt động sớm nhất.
Bạc Liêu cần huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển công nghiệp tôm, bao gồm hệ thống giao thông, điện, nâng cấp các vùng nuôi ứng dụng công nghệ cao và các mô hình nuôi tôm bền vững thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, tỉnh cần hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất tôm, tập trung đầu tư phát triển ngành công nghiệp sản xuất con giống tôm, chế biến sản phẩm tôm và thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm. Các ngành chức năng cần tăng cường hỗ trợ về nguồn vốn để phát triển con tôm, vì hiện tại ngành tôm vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức về nguồn vốn. Chính phủ cần có cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển ngành tôm, đặc biệt là trong việc tiếp cận nguồn vốn và công nghệ.
Nghiên cứu chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa và đất nuôi tôm kém hiệu quả, thiếu nước ngọt sang các mô hình tôm – rừng, tôm – lúa cũng là một hướng đi quan trọng. Bên cạnh đó, cần liên kết sản xuất và sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá thương hiệu tôm Việt Nam ra thị trường thế giới. Hợp tác quốc tế và tiếp thu các công nghệ mới, tiên tiến trong nuôi tôm cũng là yếu tố then chốt để phát triển ngành tôm theo hướng bền vững.
Trong quá trình phát triển ngành tôm, cần chú trọng đầu tư vào con giống, vì con giống là yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất tôm. Đầu tư phát triển con giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng, xây dựng các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và các mô hình nuôi tôm bền vững thích ứng biến đổi khí hậu là hướng đi cần thiết. Bạc Liêu đang xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm, khu nông nghiệp chuyên về con tôm đầu tiên của khu vực ĐBSCL và cả nước. Khi khu nông nghiệp này đi vào hoạt động, sẽ tạo động lực lớn để phát triển ngành tôm của cả nước.
Trong tương lai, Bạc Liêu cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tiếp thu các công nghệ mới và tiên tiến trong nuôi tôm. Tập trung vào phát triển bền vững, đảm bảo môi trường, và nâng cao chất lượng sản phẩm tôm Việt Nam là những bước đi cần thiết để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm Việt Nam.
Hải Đăng